Về phía giáo viên, đa phần ý kiến cho rằng, hình thức kiểm tra đề chung hạn chế được những tiêu cực trong hoạt động dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, phát sinh nhiều bất cập không lường trước được, gây áp lực cho giáo viên.
Cô Phạm Thị Kim Đồng, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Nghiêm chia sẻ: “Kiểm tra theo hình thức này khiến công việc của giáo viên quá nhiều vì trải qua nhiều công đoạn như kỳ thi lớn. Một học kỳ có rất nhiều bài kiểm tra 1 tiết. Việc phân lớp, phân giáo viên coi thi, rọc phách, ráp phách, tổng hợp điểm…, giáo viên mất quá nhiều thời gian”.
Nhiều trường không sắp xếp được tiết kiểm tra trong các buổi học chính khóa phải dành ngày thứ 5 để tổ chức kiểm tra. Trong khi đó, thứ 5 là ngày để học sinh tham gia các hoạt động ngoài giờ, không học chính khóa.
Tạo công bằng, không gây áp lực
Theo ông Lê Minh Hiền - phụ trách chuyên môn khối THCS, Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi cho biết, mục tiêu của chủ trương này là tạo công bằng trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh. Hơn nữa, cách làm này cũng nhẹ nhàng cho học sinh, không nên nghĩ phiến diện là gây áp lực.
Đây cũng là phương pháp hiệu quả để hạn chế tình trạn dạy thêm học thêm tràn lan, đánh giá đúng năng lực của giáo viên. Các trường đang thực hiện thí điểm nên không thể tránh khỏi bất cập phát sinh.
Trước đây, các đề kiểm tra do giáo viên đứng lớp ra đề. Trong cùng 1 khối lớp, giáo viên này có thể ra đề nhẹ nhàng, nhưng giáo viên khác thì ra đề đòi hỏi quá cao dẫn đến có sự chênh lệch giữa các đề kiểm tra.
Mặt khác, nhiều giáo viên ra đề kiểm tra thuộc nội dung dạy thêm nên có trường hợp học sinh học rất tốt, nhưng điểm không cao, vì không học thêm giáo viên dạy chính khóa. Ngược lại, những học sinh học chưa tốt vẫn được điểm cao vì học thêm.
Nay chung đề, kết quả đánh giá đúng thực lực của học sinh cũng như năng lực giảng dạy của giáo viên, từ đó giáo viên có sự điều chỉnh cho phù hợp. Xét một cách toàn diện thì ưu điểm nhiều hơn những hạn chế có thể phát sinh.
“Chắc chắn với cách kiểm tra này, số lượng học sinh khá, giỏi sẽ giảm so với các năm học trước, nhưng chủ trương của Bộ GD&ĐT là không chạy theo thành tích, đưa chất lượng giáo dục về giá trị thực” - ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, tùy điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực mà các trường có thể thí điểm để tổ chức kiểm tra chung đề cả 5 môn hoặc tối thiểu là 2 môn. Các trường nên bố trí cho số giáo viên chưa đủ định biên tiết dạy làm công tác coi thi. Nếu vượt tiết dạy có thể trả tiền tăng giờ theo quy chế chi tiêu nội bộ bằng tiết làm thêm giờ.
Phòng GD&ĐT sẽ kiểm tra việc thực hiện của của các trường trong học kỳ I năm học 2018 - 2019. Trên cơ sở đó, phòng sẽ có hướng chỉ đạo phù hợp nhất trong công tác ra đề, tổ chức kiểm tra để phát huy hết ưu điểm của hình thức kiểm tra này.
Bài, ảnh: A.KIỀU
Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi
Ý kiến bạn đọc